Tập đoàn Masan vừa được vinh danh trong Bảng xếp hạng ‘Top50 Doanh nghiệp Phát triển Bền vững tiêu biểu Việt Nam’ do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức. Đây là năm thứ tư liên tiếp Masan có mặt trong bảng xếp hạng này, tiếp tục được công nhận ở cả hai hạng mục trọng yếu: Quản trị doanh nghiệp xuất sắc và Hoạt động CSR nổi bật.

Chương trình bình chọn có sự thẩm định của nhiều tổ chức uy tín như HSBC Việt Nam, PwC Việt Nam, Schneider Electric, Viện Nghiên cứu và Phát triển Kinh tế Tuần hoàn, Talentnet, VinaCapital… với tiêu chí đánh giá dựa trên chiến lược phát triển bền vững, hiệu quả quản trị, tác động xã hội, môi trường và khả năng tạo giá trị dài hạn cho các bên liên quan.

Masan, một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam về tiêu dùng – bán lẻ, đặt mục tiêu cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu có chất lượng, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của hơn 100 triệu người tiêu dùng tại Việt Nam và quốc tế. Hệ sinh thái của Masan bao gồm các công ty thành viên và thương hiệu hoạt động trong nhiều lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng.
Trên hành trình phát triển, Masan từng bước tích hợp yếu tố bền vững vào chiến lược kinh doanh, với mục tiêu cân bằng giữa tăng trưởng tài chính và trách nhiệm môi trường – xã hội – quản trị (ESG). Định hướng này được cụ thể hóa thông qua các hoạt động như đổi mới sản phẩm, quản trị chuỗi cung ứng, tuân thủ tiêu chuẩn an toàn và triển khai các sáng kiến cộng đồng dài hạn.
Để tăng tính đồng bộ, Masan đã thành lập Ủy ban ESG cấp Tập đoàn từ năm 2023 nhằm điều phối và giám sát việc thực thi trên toàn hệ sinh thái. Khung phát triển bền vững của Masan dựa trên ba trụ cột: Thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững; Chăm sóc môi trường và cộng đồng; Nhân viên và khách hàng tin yêu.
Trong năm 2024, một số kết quả tiêu biểu phản ánh nỗ lực của Masan trong thực thi chiến lược phát triển bền vững có thể kể đến gồm: 100% nhà máy đạt chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế (FSSC22000, ISO22000, HACCP); 25,26% năng lượng sử dụng tại nhà máy đến từ nguồn tái tạo; Tỷ lệ quản lý nữ cấp trung trở lên đạt 43%; phụ nữ chiếm 62% tổng số nhân sự; 2.555 lớp đào tạo nội bộ được triển khai, với hơn 58.000 lượt tham gia.
Phát triển bền vững tại Masan không dừng lại ở cải tiến sản phẩm hay tiết giảm chi phí môi trường, mà còn được thể hiện rõ trong các chương trình vì cộng đồng. Trong năm 2024, Masan đã phân bổ hơn 144 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, tập trung vào giáo dục, y tế, dinh dưỡng.
Masan đang định vị mình là một doanh nghiệp gắn kết tăng trưởng với trách nhiệm xã nội, một tiêu chí ngày càng được xem là yếu tố quyết định trong dòng vốn đầu tư bền vững hiện nay.